DI CƯ 54 VÀ TÔI
Đàm Trung Phán
(CVA 1960)
Sau khi tôi đã bước vào tuổi 50, trong những buổi chiều tà ngồi trong phòng vắng một mình tại trường nơi tôi dậy, tôi thường đặt câu hỏi trong đầu:”Tại sao tôi lại ở đây, ở cái xứ lạnh rất xa lạ với quê hương cội nguồn VN của tôi? ”
Tôi đi bộ dọc theo hành lang Campus cho dãn gân, dãn cốt và thả hồn vào bên trong nội tâm. Tôi cũng vẫn thường tự vấn:”Giá không có biến cố 54, liệu tôi có trở về đất Bắc sau khi đã thành tài tại ngoại quốc? Ừ nhỉ, giá mà về lại quê hương tôi tại Bắc Việt để dậy học như bây giờ, có chắc là tôisẽ vui hơn”? Tôi miên man tìm câu trả lời …
Canada mấy hôm nay lạnh cóng hơn các năm trước. Bây giờ ngồi trong căn phòng ấm cúng tại nơi “Đất Lạnh Tình Nồng” Canada, tôi cảm thấy rất may mắn đã được về hưu non và không còn phải lo về “Nợ nần đời cơm áo” nữa, tôi ngồi miên man nghĩ ngợi. Chợt những hình ảnh của ngày xưa khi tôi còn bé tại Hà Nội hiện về. Tôi ghi vội vài dòng trước khi tôi lại bị lôi kéo vào những truyện tào lao khác.
Có lẽ biến cố di cư 54 đã ảnh hưởng rất lớn đến sự khôn lớn và đời tôi về sau này. Nó đã lắng sâu vào Tiềm Thức của tôi. Những lớp phù sa cuộc đời đã lắng xuống, lớp nọ đè sát lên lớp kia. Dòng đời từ từ trôi chẩy và dường như những lớp phù sa này đã trở thành thủy tra thạch được chôn lấp tự nhiên đến nỗi là tôi đã quên hẳn rất nhiều thứ. Nhưng rồi một biến cố nào đó chợt đến với tôi như những cú “shock” mạnh đã làm đẩy bật lớp Thủy Tra Thạch và trong một khoảng thời gian rất ngắn tôi đã thấy rõ được một số hình ảnh của thời thơ ấu.
Cuối năm 1995, một chị bạn đi du học cùng năm, cùng tuổi với tôi (tên là TAT) đã bị bạo bệnh mà mất . TAT mất đi trong sự đau sót tột cùng của 4 đứa con còn nhỏ dại: cháu lớn nhất mới 15, cháu nhỏ nhất mới 5 tuổi. Tôi đã ở trong nhà thương khi Bác Sĩ tắt đi hệ thống “Life Support” của T. Chính tôi đã thấy chồng của T. vuốt mắt cho T. Nhưng một mắt vẫn còn mở và người bạn gái thân nhất của T. đã vuốt mắt này để T. vĩnh viễn ra đi.
Buổi tối hôm đó, trời mưa to và rất lạnh. Tôi về tới nhà, đã nửa đêm. Tôi vừa mệt vừa bàng hoàng: bên này là cửa dương, bên kia là cửa tử.Tôi cảm thấy mình như đang muốn ốm. Uống một viên thuốc Tylenol và năm Thiền Thở để tránh cái shock nội tâm. Sáng sớm hôm trước, tôi đã nằm mơ thấy TAT hiện về, ăn mặc rất chỉnh tề, chào tôi rồi biến dạng.Tôi đã thấy sững sờ. Thế rồi, chính tôi đã chứng kiến sự ra đi của T. trong nhà thương!
Nhìn đàn con T. nheo nhóc khóc mẹ, bỗng đâu tôi thấy tôi trở lại với gia đình tôi tại Saigon khi Mẹ tôi đột ngột ra đi khi bà mới 50 và tôi mới 13 tuổi! Tôi thiếp đi lúc nào không hay để rồi khi tôi tỉnh giấc giữa đêm khuya , tôi thấy mặt mũi đầy nước mắt . Trong giấc mơ, tôi đã thấy cả gia đình tôi đang ở trong Bắc Việt Nghĩa Trang đưa đám tang mẹ tôi. Tôi thấy tôi đang lăn ra khóc thương sót mẹ tôi vĩnh viễn ra đi. Anh P., hơn tôi 1 tuổi, đang cố dỗ tôi cho nguôi cơn khóc. Anh P. dỗ tôi không xong phải nhờ anh T., hơn tôi 7 tuổi, dỗ dùm. Cuối cùng, anh T. cũng chẳng “làm tròn bổn phận”! Và tất cả các anh chị em cùng khóc như nhau! Làn phù sa tưởng đã hóa thành đá bỗng đâu bị phá vỡ như trong cơn động đất nội tâm để rồi để hiện nguyên hình trong ký ức của một đứa bé 13 tuổi nay đã là một người đàn ông 53 tuổi! Tôi thức giậy thấy vừa nhẹ nhõm lại vừa buồn tênh, nhất là lúc này tôi đang sống một mình và đang bị dòng đời lôi cuốn tôi vào một đoạn đường hoàn toàn mới lạ mà tôi chẳng thể nào tiên đoán được ra sao.
Oi cũng chỉ vì di tản! Mẹ tôi mất sớm, năm 1955, khi bà mới 50 tuổi, chỉ vì cuộc di cư 1954! Bạn tôi,TAT, người gốc Saigon, qua đời ở tuổi 53, chỉ vì phải quá vất vả với đời sống ngoại quốc sau biến cố 75 ?
Tôi ít có cái may mắn được sống gần với Mẹ tôi. Lên 7 tuổi, tôi phải theo Cha và anh chị tôi đi chạy loạn từ Bắc Ninh lên Bắc Giang. Mẹ tôi không thể chạy loạn được cùng với gia đình vì khi đó em trai út tôi mới sinh ra đời được mấy tháng. Gia đình tôi phải đi bộ chạy loạn trong đêm tối vì sợ ban ngày máy bay của Tây trông thấy bắn chết. Ban đêm tôi vừa buồn ngủ, vừa đói bụng lại vừa nhớ Mẹ! Ở Bắc Giang chẳng được bao lâu, Bố tôi lại phải mang anh chị em chúng tôi về lại Bắc Ninh để sum họp gia đình với Mẹ và em tôi. Sau đó Bố tôi bị Tây bắt đi tù. Rồi Bố tôi được trở lại nghề dậy học, dậy tại Phúc Yên. Anh P. và tôi được gửi lên Phúc Yên để theo Bố đi học vào năm 1950. Năm 1952, Mẹ tôi bị Việt Minh theo dõi phải thu xếp ra Hà Nội để đoàn tụ lại với gia đình, bỏ hết lại nhà cửa, ruộng nương tại Bắc Ninh. Gia đình sống yên ổn được 2 năm thì Hiệp Định Genève ra đời. Lúc này, Mẹ tôi không còn được khỏe như xưa nữa vì phải lo nghĩ nhiều. Bố tôi nhất quyết di cư vào Nam vì Cụ đã thấy Việt Minh lòi cái đuôi Cộng Sản. Mẹ tôi đã bàn với Bố tôi: một nửa ở lại Bắc, một nửa di cư vào Nam. “Phái đoàn Bắc Bộ” gồm có Mẹ, em Ut và tôi! Mẹ tôi không muốn vào Nam vì Bà cần phải ở lại để trông nom ruộng vườn, nhà cửa tại Bắc Ninh và cái nhà ở Hà Nội mà Bố Mẹ tôi mới tậu (mua) năm 1952. Vào Nam với tất cả gia đình ư? Làm sao mà Bố Mẹ chúng tôi có thể nuôi được cả 5 anh chị em chúng tôi, nhất là 3 anh em trai út chúng tôi khi đó mới 13, 12 và 6 tuổi. Bố Mẹ tôi chẳng còn nhiều tiền bạc sau khi đã mua căn nhà tại phố Kim Liên, Hà Nội, vả lại Bố tôi lại là một ông giáo sắp về hưu ! Cuối cùng, Mẹ tôi cũng đành chiều Chồng, chiều Con mà đau lòng vào Nam trong ngày cuối cùng trước khi Cộng Sản tiếp thu thành phố Hà Nội.
Những ngày tháng cuối ở Hà Nội, tôi thường đi xe đạp ra Chợ Trời xem người ta bán đồ, bán rẻ bán tháo được đồng nào hay đồng ấy trước khi những gia đình này di cư vào Nam. Nào là xe đạp, nào là giường phản, nào là xập gụ … Tuy là một cậu bé 12 tuổi, tôi thấy tiếc thương cho họ: sao mà lại phải bán rẻ như thế trước khi họ phải “bỏ của mà chạy lấy người“?
Việc di cư vào Nam của gia đình tôi, Bố Mẹ tôi không hề cho họ hàng biết, nhất là những người đang sống ở nhà quê với Việt Minh Cộng Sản. Bố Mẹ tôi cũng chẳng bán đồ đạc gì hết trong Chợ Trời. Riếng tôi, tôi thấy tưng tức: “Người ta” vừa mới thi đậu xong Tiểu Học và được Bố Mẹ hứa sẽ mua cho cái xe đạp Peugeot sau khi thi đậu, thì lại có cái vụ”Giơ Ne, Giơ Nung” vớ vẩn này! Từ hồi học lớp Nhì, tôi đã mê xe đạp Peugeot lắm rồi! Cô tôi (thực ra “Cô” là chị ruột của Bố tôi) đã muốn mua cho anh P. và tôi mỗi đứa một chiếc Peugeot rồi. Thế mà Bố tôi cứ cản mũi kỳ đà không cho mua. Mà Cô tôi đâu có nghèo gì, Cô có một căn nhà trên phố Phúc Kiến cho một ông Lang Tầu thue . Con trai độc nhất của cô còn mải đi kháng chiến, chẳng biết còn sống hay đã chết. Mấy đứa tụi tôi, cô coi như con của cô vậy. Hà Nội lúc này cũng chẳng có gì được vui: trong lúc tôi học lớp Nhì, lớp Nhất, ngày nào báo chí cũng đăng tin tức về Điện Biên Phủ và dội bom. Nhà tôi ở trên đường Kim Liên, tôi thấy các đoàn “convoy” xe nhà binh của Pháp bít bùng thường xuyên chạy qua nhà.
Mẹ tôi quyết định di cư vào Nam cùng gia đình gần như vào giờ phút chót vì Bà “dùng kế hoãn binh”! Thế rồi, một buổi sáng sớm tinh mơ, Bố Mẹ tôi khóa chặt cổng chính của căn nhà còn đầy đủ đồ đạc và gia đình tôi lên xe để sửa soạn sang phi trường Gia Lâm. Tôi còn nhớ, khi xe đi qua Hồ Hoàn Kiếm, một làn sương mỏng đang vây quanh Tháp Rùa. Lần đầu tiên, tôi được đi máy bay, máy bay 2 động cơ. Có lúc ở trong máy bay, tôi thấy thật là lạnh và phải đắp chăn. Máy bay còn lâu lâu đi vào các “ổ gà khí quyển” làm tôi cảm thấy buồn nôn. Gia đình tôi được chở thẳng từ Phi Trường Tân Sơn Nhất tới Nhà Hát Lớn ở Saigon. Đường xá rất xa lạ đối với tôi. Một người cháu họ của tôi (gọi Bố tôi bằng Ong Cậu) , vào Nam đã từ mấy năm trước , ra đón gia đình tôi về ở tạm với họ hàng tại Thị Nghè . Trong Taxi, tôi nghe cháu tôi nói tiếng Nam với Ong Tài xế người Nam, thật tình tôi chẳng hiểu gì hết vì tiếng Nam nghe rất lạ tai. Vài bữa sau, gia đình tôi dọn về ở tạm với gia đình anh họ của tôi tại Bến Tắm Ngựa trên đường Yên Đổ.
Tôi may mắn đậu thi vào Đệ Thất trường Công sau khi gia đình tôi “tạm cư” tại Bến Tắm Ngựa. Anh tôi, anh P., đã học xong Đệ Thất CVA tại Hà Nội trước khi di cư. Để tiện việc đi học, cả hai anh em tôi đi học trường Trần Lục (lúc đó học nhờ trường Đồ Chiểu tại Tân Định) cho gần nhà. Trong thời gian này, Bố tôi bắt đầu đi dậy tại trường Phú Nhuận và em Ut tôi theo học lớp Năm tại trường này. Bố Mẹ tôi mua một căn nhà nhỏ tại một cái hẻm trên đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận.
Anh em tôi phải học buổi trưa tại Trần Lục, vì là trường mượn. Hai anh em tôi, thật ra, tụi tôi từ bé cho đến bây giờ là một đôi bạn mới đúng, ngày xưa đi đâu cũng có nhau. Hai đứa “khám phá” ra các cây Trứng Cá, cây Tầm Ruộc, cây Vú Sữa, cây Trứng Gà trên đường đi đến trường. Hai đứa thoạt nhìn quả Vú Sữa khi còn non, đoán hoài mà chẳng biết là quả gì. Rồi hai đứa còn “khám phá“ ra Đá Nhận, Bánh Loọc Đậu Đỏ, các loại sôi, chè miền Nam. Đi vào chợ trong Bến Tắm Ngựa, hai đứa ngạc nhiên hết sức khi thấy mấy bà bán hàng xé tiền 1 đồng làm hai mảnh để “thối” tiền “ Năm Cắc” cho người mua, ngạc nhiên đến trợn tròn con mắt ! Miền Nam mưa nắng hai mùa đã để lại trong đầu óc anh em tôi rất nhiều hình ảnh khó quên nhất là giọng ca Cải Lương Nam Kỳ. Đến bây giờ, mỗi lần nghe Cải Lương miền Nam, tôi lại bồi hồi nhớ lại Saigon của tôi hồi 54, 55! Oi Sài Gòn thương yêu của tuổi dại khờ!
Khi dọn vào căn nhà tại Phú Nhuận, Mẹ tôi hay đau yếu bất thường và bắt đầu lo nghĩ nhiều vì Bố tôi sắp về hưu trong khi đó ba anh em tôi còn nhỏ dại. Nhiều lần, khi đi học về, tôi hay nghe Mẹ tôi nói: “ Thôi, làm sao tụi mày cho Tao về lại Hà Nội đi, để Tao còn giữ lại được nhà cửa, ruộng vườn! Vào đây mất hết, Bố mày lại sắp về hưu, lấy gì mà nuôi chúng mày?” Bà vừa nói, tay vừa đan bít tất cho con nít mới sinh để bán lấy tiền phụ Bố tôi nuôi ba anh em nhỏ tụi tôi!Thấy Mẹ càng ngày càng gầy gò, ốm yếu, tôi chẳng biết làm gì giúp Mẹ, tôi chỉ thấy thương Mẹ vô cùng. Để cho Mẹ vui, anh P. và tôi cố gắng học hành cho giỏi, đó là một món quà duy nhất mà hai anh em tôi có thể làm được để tặng cho Bố Mẹ trong những ngày tháng đầu của gia đình chúng tôi tại Saigon.
Khi tôi đang học Đệ Lục tại Trần Lục, buổi chiều ngày Rằm Trung Thu năm 1955, chị lớn tôi từ nhà thương Hồng Bàng về nhà báo tin động trời là Mẹ chúng tôi đã mất. Đêm Trung Thu năm đó, khi các con nít khác cỡ tuổi tôi đi rước đèn lại là lúc tất cả các anh chị em chúng tôi vào nhà xác để thăm viếng Mẹ. Khi viết những dòng này, 48 năm sau khi Mẹ tôi qua đời, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh Mẹ tôi trong nhà xác và về sau này, ở tuổi 50, tôi đã ghi lại những gì đã xẩy ra trong Nội tâm của một đứa con trai mất mẹ lúc 13 tuổi:
… Mẹ thương yêu
Gặp gian nan
Lúc tôi còn nhỏ
Xác Mẹ nằm đó
Nhưng hồn Mẹ
Đã chìm sâu vào thế giới bên kia.
Tôi chơi vơi trong biển lệ
Mẹ đã đi rồi
Còn gì ở lại với tôi ?
Những ngày sau đó là những chuỗi ngày buồn tênh, đầy vắng lặng. Đã thế, trong cái hẻm đường Võ Duy Nguy, Phú Nhuận một số con nít người Nam cỡ tuổi anh em tôi không ưa gì dân Bắc Kỳ Di Cư và chúng đã ăn nói rất thô lỗ với hai anh em tôi (chú Ut còn quá trẻ nên “được” miễn!) . Nhiều lúc chúng còn cậy đông người và gây sự muốn đánh nhau với hai anh em tôi. Vì vậy hai đứa thường phải luôn luôn đi đôi với nhau và phải “thủ” một cây gậy để hộ thân. Chúng tôi thường phải nghe những câu như:” Nước nhà đã hòa bình và độc lập, tại sao đồ dân Bắc Kỳ ăn cá rô cây còn dzô Nam làm chi?”
Xin mở một cái ngoặc kép ở đây: Đầu thập niên 80 tại Toronto, tôi gặp một ông người miền Nam mới di tản sang Canada. Ong ta hỏi tôi: “Có phải Chú là dân Bắc Kỳ Di Cư 54 không?” Tôi gật đầu và ông ta tâm sự:” Tôi vừa mới từ Đảo qua đây. Bây giờ tôi, một dân Nam Kỳ chính cống, mới thấy thương dân Bắc Kỳ Di Cư 54. Tụi tôi đã chửi dân Bắc Kỳ Di Cư 54 các Chú quá xá cỡ! Tôi đã phải sống với Cộng Sản mấy năm và còn phải ở tù nữa, tôi mới biết bộ mặt thật của Cộng Sản! Sorry nghe Chú!” Tôi bắt tay ông ta thông cảm và “ma cũ Bắc Kỳ Di Cư 54 “ bèn chỉ đường dần lối cho “ma mới Nam Kỳ vượt biên 1983 “. Hữu tình ta lại gặp ta!
Sau khi Mẹ tôi qua đời, Chị lớn tôi xuống Hậu Giang đi làm để phụ giúp Bố tôi về vấn đề tài chính. Anh T. được học bổng đi học trường Nông Lâm Mục tại Blao. Gia đình tôi còn lại ở Saigon chỉ còn lại một ông bố già với 3 đứa con trai còn nhỏ tuổi. Anh P. và tôi lo việc chợ búa, cơm nước. Nhiều lần, hai anh em tôi đi chợ, phải đi qua cái “cửa ải” của mấy đứa con trai người Nam ăn nói lỗ mãng . Có những bữa ăn buổi tối, tôi chẳng thấy đói mà chỉ thấy buồn hiu hắt vì thấy cảnh ly tán, mất bóng người Mẹ, người Chị ở trong nhà. Phải sống qua giai đoạn này rồi lớn lên sau khi tôi đã có con, tôi mới thấu hiểu được cảnh cơ cực “ Gà trống nuôi con” của Bố tôi. Nỗi buồn có khi day dứt, có khi man mát này đã in sâu vào tâm thức của tôi, và cho đến khi tôi đã 55 tuổi đầu nó mới “tha” cho tôi!
Cha tôi đi học chữ Nho khi còn nhỏ. Hán học bị lỗi thời khi Cha tôi mới lớn lên, Cha tôi phải nhẩy sang “Tây” học (học tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ). Cha tôi không có cơ hội để học cho đến nơi đến chốn vì Ong nội tôi bị mù mắt từ hồi còn nhỏ nên Ong tôi rất nghèo. Vốn liếng chữ Nho, chữ Nôm, tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ đều do Cha tôi tự học lấy, đủ để được bổ nhiệm làm chức Giáo Học trường làng tại tỉnh Phúc Yên , dậy cho tới hồi 1945 .
Để tránh cảnh anh em chúng tôi hư vì không có Mẹ trông nom đàng hoàng và để ước ao cho ba đứa con trai nhỏ dại được học hành như ý Cha tôi muốn, sau mỗi bữa ăn, như thường lệ, Cha tôi ngồi đọc sách, chấm bài, hay dịch sách chữ Nho, chữ Nôm và tiếng Pháp sang tiếng Việt. Mỗi đứa con cũng phải ngồi xuống bàn học. Anh P. và tôi đã quen lối sống này rồi vì hai đứa đã theo Bố đi học tại Phúc Yên khi hai đứa mới 8 và 9 tuổi. Chỉ tội cho chú Ut mới 7 tuổi đã mất Mẹ, bắt ngồi xuống bàn học suốt cả đêm thì làm sao mà chú ngồi được? Chú thường lỉnh ra ngoài chơi với con nít khác nên chú hay bị Bố cho ăn đòn, nghĩ lại thấy thương tình. Cũng may là tất cả các anh em tôi được học hành thành tài và nên người, chắc nhờ phúc đức bên nội và bên ngoại để lại? Chú Ut đã trở thành một Bác Sĩ Chuyên Khoa, có vợ , có con đàng hoàng và còn là một tay trồng lan thiện nghệ !
Những năm tôi du học xa nhà, trong những ngày gần Tết Nguyên Đán, cứ mỗi lần nghĩ thấy một mình Cha già đang sửa soạn Tết với chú Ut, lòng tôi thật xót sa thương cho Cụ trong cảnh đơn côi lúc xế chiều. Lúc này anh P. tôi cũng đang du học bên Mỹ và tôi đang ở Miền Nam Bán Cầu. Những day dứt nhớ thương Cha già đã được tôi đột nhiên ghi chép lại bằng vần thơ mộc mạc trong lúc ngồi chấm bài vào năm 1991 trước bàn thờ của Cha Mẹ tôi:
… Con còn nhớ
Năm con mười ba tuổi
Một đêm Trung Thu
Bất thần, Mẹ ra đi vĩnh cửu
Bố gánh chịu thân Gà Trống Nuôi Con!
Mười chín tuổi, con ra đi
Máy bay cất cánh
Bố ở lại
Bạn đời với văn chương, chữ nghĩa
Bần thần thương nhớ con trai.
Vì tương lai, sự nghiệp?
Hay vì con vướng mộng giang hồ?
Cha tôi đã “ở vậy” nuôi nấng anh chị em chúng tôi từ năm 1955 đến năm 1988 khi Cụ qua đời tại Montreal, Canada. Cả gia đình chúng tôi đã suýt bị Tây bắn chết tại Bắc Ninh vì mưu mô sảo quyệt của Việt Minh Cộng Sản nên Cụ đã nhất quyết di cư vào Nam năm 54. Rồi định mệnh cũng lại bắt Cha tôi phải di tản bất đắc dĩ sang Mỹ rồi Canada vào năm 1975, khi Cụ đã 80 tuổi. Cụ không muốn đi, nhưng chính chú Ut đã là người “bốc” Cụ đi. Cụ đã phải trải qua biết bao nhiêu mất mát của cuộc di cư 1954, để rồi sau đó, cuộc di tản 1975 đã là một cú đòn quá nặng cho một ông già đã 80 tuổi mà cuộc đời chỉ toàn là mất mát và nhớ thương quê hương, con, cháu !
Giá mà không có biến cố Di Cư 1954, Cha tôi đã được dân làng của tỉnh Phúc Yên lập đền thờ vì Cụ đã dậy học 3 đời: Đời Ong, Đời Cha, Đời Con đã là học trò của Cụ!Giá mà không có biến cố Di cư 54, biết đâu anh em chúng tôi đã không mất Mẹ một cách mau chóng?? Giá mà Mẹ tôi đã quyết định ở lại ngoài Bắc cùng với chú Ut và Tôi, thì chắc gì chú Ut và tôi đã được học hành đến nơi đến chốn vì Mẹ tôi sẽ được “vinh danh” là Địa Chủ, mất hết nhà cửa ruộng vườn trước khi “được người ta chiếu cố “ bằng ngón đòn Tố Khổ. Ai sẽ là người nuôi nấng chú Ut và tôi? Thà là vào Nam mà mất Mẹ, nhưng còn có Bố để được ăn học nên người và giữ được nền tảng đạo đức con người, còn “sướng” hơn là ở lại ngoài Bắc với “Bác” và “Đảng”!
Tôi không còn dám nghĩ đến chữ “Giá mà …” nữa. Tôi thầm nghĩ: mỗi người chúng ta đều có một cái nghiệp mà mỗi quốc gia cũng có một cái nghiệp riêng của nó. Những kẻ độc tài, khát máu, vô thần rồi sẽ phải trả giá rất đắt cho những việc họ làm. Thương hại thay cho những kei vô thần, độc đoán, độc tôn! Rồi Luật Nhân Quả sẽ trả lời họ mà thôi.
Giờ đây các anh chị em chúng tôi có người đã thành ông bà nội ngoại. Chúng tôi hẹn nhau cứ hai năm một lần, tất cả anh em chúng tôi lại gặp nhau tại một nơi nào đó. Gặp nhau để nói lên lòng thành kính và biết ơn với Cha Mẹ chúng tôi. Gặp nhau để nhớ lại truyện ngày xưa tại ngoài Bắc và trong Nam. Gặp nhau để kể cho nhau nghe những truyện khôi hài. Gặp nhau để cười đùa như để bù lại những lúc đơn côi hồi còn nhỏ khi mà chúng tôi chỉ biết có thở dài!
Mẹ tôi cũng đã được “đoàn tụ” với anh chị em chúng tôi tại Hoa Kỳ vào đầu thập niên 90: Chị dâu tôi, khi được bảo lãnh sang Hoa Kỳ đã mang theo tro cốt của Cụ . Cụ cũng đã bắt buộc phải Di Tản, vì “người ta” đã khai quật hết tất cả các mồ mả tại Bắc Việt Nghĩa Trang! Và Cụ đang “sống” cùng với gia đình anh T., anh lớn của chúng tôi tại Hoa Kỳ.
Cha tôi đang yên nghỉ tại một nghĩa trang yên tĩnh ở Montreal và mỗi lần anh chị em chúng tôi gặp nhau tại nhà chú Ut tại Montreal, tất cả anh em chúng tôi rất lấy làm vui mừng ra nghĩa địa đốt nén nhang , khấn bái thăm Cụ .
“ Rồi một chiều tóc trắng như vôi!” và “Cát bụi sẽ trở về với Cát bụi “ , anh em chúng tôi cũng sẽ lặng lẽ ra đi . Hy vọng rằng ít nhất là các con cháu chúng tôi cũng không phải vất vả, khổ cực như hàng triệu người Việt đã phải trải qua những kềm kẹp cũng như các biến cố Di Cư 54, biến cố Di Tản 75 và biến cố Thuyền Nhân.
Cuộc đời, thật sự, có ai mà đoán trước và hiểu dược, phải không, thưa Quý Vị?
Đàm Trung Phán
Tháng Hai, 2003
Toronto, Canada